9/5/09

Tứ Chẩn

TỨ CHẨN

A. ĐẠI CƯƠNG
Tứ chấn là bốn phương pháp khai thác triệu chứng lâm sàng của y học cổ truyền.
Bốn phương pháp đó là VẤN - VỌNG - VĂN - THIẾT. Bốn phương pháp không tách rời nhau mà thường kết hợp và bổ sung cho nhau.
Mỗi thầy thuốc có những tâm đắc và kinh nghiệm vào một, hai phương pháp, thiên về phương pháp đó nhưng để có chẩn đoán được chính xác cao cần phải tiến hành cả 4 phương pháp:
Nhiều trường hợp cũng phải tham khảo những chẩn đoán cận lâm sàng của y học hiện đại ví như đếm và quan sát hình dạng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu trong những chứng bệnh về huyết, chiếu chụp X quang trong những chứng bệnh về khí, về tạng phế ....
B. NỘI DUNG
I. Vấn chẩn (hỏi bệnh)
Hỏi bệnh ngoài những nội dung thường quy như tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, thói quen, gia đình, quá trình bệnh và đã điều trị .... phần hỏi đặc thù của y học cổ truyền để phân định được hư thực, hàn nhiệt, tạng phủ ....
1. Hỏi về hàn nhiệt
- Có sợ lạnh không?
 Mới phát sốt sợ lạnh và cảm phong hàn.
 Bệnh lâu ngày, sợ lạnh, chân tay lạnh là dương hư.
 Lạnh vùng thắt lưng kèm tiểu đêm nhiều là thận dương hư.
 Bụng đầy ấm ách kèm chân tay lạnh, ỉa lỏng hoặc phân nát sống là Tỳ dương hư.
- Có sợ nóng, có sốt không?
 Sốt nhẹ kèm nhức đầu, sổ mũi là cảm phong hàn.
 Sốt cao về sáng và trưa, mồ hôi nhiều, kèm khát nước, thích uống nước mát là thực nhiệt
 Sốt nhẹ, thường về chiều và đêm kèm mồ hôi ban đêm khi ngủ là âm hư.
 Lúc sốt, lúc rét hoặc Thiếu dương chứng.
2. Hỏi về mồ hôi
 Sốt không ra mồ hôi là biểu thực, có mồ hôi là biểu hư.
 Sốt cao, ra nhiều mồ hôi, khát nước là thực nhiệt.
 Tự ra mồ hôi không do lao động hoặc thời tiết nóng là dương hư
 Ra mồ hôi ban đêm khi đang ngủ là âm hư.
3. Hỏi về đau
 Tính chất đau:
+ Lúc đau, lúc không, vị trí đau không rõ rệt , là do khí trệ.
+ Đau nhiều, vị trí cố định là do huyết ứ.
+ Đau kèm co cứng, lạnh đau tăng, chườm nóng đỡ đau là do hàn tà.
+ Đau kèm sưng nóng đỏ là do nhiệt tà.
 Vị trí đau:
+ Dựa vào vị trí đau nằm trên kinh lạc nào ta có thể biết tạng phủ, kinh lạc bị bệnh.
Ví dụ: đau vùng trán thuộc kinh dương minh.
+ Đau đầu vùng hai bên thái dương thuộc kinh thiếu dương.
+ Đau vùng gáy thuộc kinh thái dương.
4. Hỏi về tiểu tiện, đại tiện
 Đại tiện
- Táo bón ở người khỏe thường do thực nhiệt ở người già yếu thường do âm hư, khí hư.
- Iả chảy cấp sau bữa ăn là ngộ độc thức ăn.
- Phân mùi thối khẳm là tích trệ, lý nhiệt, phân tanh nồng, ít thối là do hư hàn.
- Thường hay ỉa lỏng vào sáng sớm là Thận dương hư.
 Tiểu tiện
- Tiểu ít, nóng, màu đậm là thực nhiệt.
Tiểu nhiều, trong là hư hàn.
- Đái rắt, buốt, đục là thấp nhiệt bàng quang.
- Tiểu đêm nhiều lần hoặc đái dầm là thận khí hư.
5. Hỏi về kinh nguyệt
- Kinh sớm trước kỳ, lượng nhiều, màu đỏ là huyết nhiệt.
- Kinh muộn sau kỳ, kèm đau, màu thẩm, có cục là hàn tà, huyết ứ.
- Kinh muộn, ít, màu nhạt là huyết hư.
- Khí hư màu trắng đục là Tỳ Thận hàn thấp, màu vàng, mùi hôi là thấp nhiệt.

II. Vọng chẩn
Vọng chẩn là quan sát bằng măt. Nội dung vọng chẩn gồm: nhìn thần sắc, nhìn hình thể, nhìn cử động, nhìn môi miệng, đặc biệt là quan sát lưỡi ( thiệt chẩn)
1. Quan sát thần:
Thần thể hiện ra vẻ mặt, ánh mắt, lời nói và cử chỉ.
 Thần tốt : ý thức và tiếp xúc tốt, vẻ mặt tươi nhuận ánh mắt linh hoạt lời nói rõ ràng, cử chỉ phù hợp với giao tiếp.
 Thần yếu: Ý thức về không gian, thời gian kém chuẩn xác, tếp xúc chậm chạp, vẻ mặt tối, ánh mắt kém linh hoạt, cử chỉ không phù hợp.
 Lạc thần (loạn thần): Anh mắt đờ đẫn hoặc sáng một cách bất thường ý thức không chính xác, cười nói không phù hợp hoặc trầm lặng, không chịu tiếp xúc.
 Giả thần: Bệnh tình đang rất nặng, bỗng tỉnh táo như không có bệnh, ánh mắt sáng, ý thức minh mẫn, trí nhớ tốt, đây là dấu hiệu bệnh nhân sắp chết.
2. Quan sát sắc da
 Da đỏ là nhiệt chứng, bệnh liên quan Tâm. Nếu chỉ phớt hồng ở gò má, môi đỏ là bình thường hoặc âm hư hỏa vương.
 Da trắng bệch, tái nhợt là chứng hư hàn do âm thịnh dương hư, phế khí hư.
 Da xanh là khí huyết ứ trệ, đang đau đớn, bệnh thuộc can.
 Da vàng là chứng hoàng đản, thấp nhiệt, can kinh hoặc tỳ đàm nhiệt.
Da xạm đen là dương khí suy, huyết ứ hoặc thận hư.
3. Quan sát lưỡi (Thiệt+ chẩn)
Xem lưỡi là phương pháp đặc thù của Đông y, cần chú ý 3 nội dung chính là:
 Hình lưỡi:
- To bè, có khi in nếp răng ở lưỡi do khí hư hoặc đàm thấp, Thận, Tỳ dương hư.
- Thon nhỏ là do âm hư, huyết hư.
- Lưỡi ngắn, rụt lại hoặc lệch là Đàm mê tâm khiếu.
 Chất lưỡi: Là tổ chức cơ của lưỡi, bình thường hồng nhuận.
- Chất lưỡi nhạt, mềm là khí huyết hư.
- Chất lưỡi đỏ là nhiệt chứng.
- Chất lưỡi hồng có những điểm đỏ thẩm là huyết ứ.
- Chất lưỡi đỏ thẫm là bệnh nặng đã vào tâm hệ.
 Rêu lưỡi: Là chất mới được tạo ra, phủ trên mặt lưới, bình thường không có hoặc rất mỏng.
- Màu sắc của rêu lưỡi: trắng mỏng bệnh thuộc biểu, rêu vàng thuộc nhiệt, lý chứng, rêu xám đen là bệnh nặng.
- Tính chất rêu lưỡi: Rêu mỏng, bệnh nhẹ, bệnh ở biểu, rêu dày là bệnh ở lý, có tích trệ, rêu khô là là âm hư, tân dịch cạn, rêu ướt mỏng là phong hàn, ướt dày dính nhớt là thấp trệ.
4. Quan sát hình thể
 Người gầy, da khô, tóc khô, móng tay mỏng gãy thường là can thận âm hư.
 Người béo, da thịt bủng bệu, cử động chậm chạp là do âm thịnh, đàm trệ.
IV. Văn chẩn: ( Nghe - ngửi)
1. Tiếng nói:
 Nói nhỏ, đứt quãng là hư chứng, phế khí hư.
 Tiếng nói to khỏe , rõ là thực chứng.
 Nói mê sảng là nhiệt nhập tâm bào
2. Tiếng ho
 Tiếng ho khô, không thành cơn không đó đờm là phế âm hư.
 Tiếng ho to, ông ông là phong hàn thúc phế.
 Tiếng ho ướt, lọc xọc, ho cơn dài là đàm trọc.
3. Tiếng nấc:
 Mạch liên tục là thực niệt
 Tiếng nấc yếu , đứt quãng là hư hàn.
 Bệnh nặng mà nấc là nguy kịch.
4. Ngửi:
 Nước tiểu mùi rất khai là ăn nhiều thịt hoặc thực nhiệt.
 Mùi phân ít thối, mà tanh nồng là hư hàn.
 Mùi phân chua hoặc thối khẳm là thực tích, thực nhiệt.
V. Thiết chẩn
Bao gồm xem mạch và sờ nắn
1. Xem mạch
Xem mạch chủ yếu là biết vị trí bệnh đang ở biểu hay ở lý, tính bệnh hàn hay nhiệt, tình trạng hư thực của khí huyết và tạng phủ.
 Ta thường xem mạch ở cổ tay ( thốn khẩu). Thốn khẩu năm trên rãnh động mạch quay, được chia thành 3 bộ là thốn, quan, xích.
 Xác định vị trí của 3 bộ: Ngang với mỏm trâm xương trụ là bộ quan, lui về phía bàn tay là bộ thốn , lui về phía cẳng tay là bộ xích. Khoảng cách giữ các bộ tùy tùy theo tay của người dài hoặc ngắn, nói chung là cách nhau một khoát ngón tay.
 Ý nghĩa từng bộ vị: Tay phải thuộc khí, tay trái thuộc huyết.
- Bộ thốn phải quan hệ Phế - Đại trường.
- Bộ quan phải quan hệ Tỳ- Vị.
- Bộ xích phải quan hệ Thận dương.
- Bộ thốn trái quan hệ Tâm - Tiểu trường
- Bộ quan trái quan hệ Can - Đởm
- Bộ xích trái quan hệ Thận âm.
 Tiến hành bắt mạch
- Người bệnh ngồi ghế, để tay lên bàn, ngang ngực, trên một gối mỏng, hoặc nằm ngửa, tư thế thỏai mái. Bệnh nhân đến khám cần được nghỉ 5- 10 phút trước khi xem mạch.
- Thầy thuốc ngồi đối diện, tay phải bắt mạch tay trái của bệnh nhân, sau đó tay trái bắt mạch tay phải bệnh nhân. Ngón tay giữa đặt vào bộ quan ngang với mỏm trâm xương trụ, ngón trỏ đặt vào bộ thốn, ngón nhẫn vào bộ xích.
Tập trung tư tưởng, thoạt đầu ngón tay đặt nhẹ lên mạch ( khinh án ) rồi ấn nhẹ (trung án) sau đó ấn mạnh (trọng án). Lúc đầu xem tổng quát cả 3 bộ ( tổng quan) để biết tình hình chung: biểu lý, hàn nhiệt, hư thực của bệnh, sau đó mới xem từng bộ vị để biết tình trạng của từng tạng phủ.
2. Các loại mạch chủ yếu
 Mạch bình thường: Khinh án đã thấy mạch đập nhẹ, trung án mạch rõ hơn, không nhanh, không chậm, đều đặn, không căng, cũng không mềm yếu.
 Mạch nói lên vị trí nông sâu của bệnh.
- Mạch phù: ấn nhẹ mạch rõ, ấn vừa mạch hơi yếu đi, bệnh ở phần biểu.
- Mạch trầm: ấn mạnh mới thấy mạch, người béo, về mùa rét mạch thường trầm, bệnh ở phần lý.
 Mạch nói lên tính chất hàn nhiệt của bệnh
- Mạch sác: Mạch đập nhanh trên 80 lần/ phút biểu thị chứng nhiệt.
- Mạch trì: Mạch đập chậm dưới 60 lần/ phút biểu thị chứng hàn.
 Mạch nói lên trạng thái thực hư của bệnh
- Mạch thực: Mạch có lực, ấn mạnh, sức cản của mạch tăng nhưng thành mạch không căng cứng. Biểu thị khí lực còn tốt.
- Mạch hư: ấn hơi mạnh, mạch lẫn mất, thành mạch mềm yếu. Biểu thị khí lực kém.
 Một số mạch khác
- Mạch hoạt: Luồng máu chạy trơn tru, thanh thoát, biểu thị tân dịch, khí huyết đồi dào hoặc đàm thấp . Tắt kinh, mạch hoạt là đã có thai.
- Mạch sáp: luồng máu chạy khó khăn. Biểu thị tân dịch cạn, khí huyết ứ trệ.
- Mạch huyền: Mạch căng cứng như giây đàn. Biểu thị Can khí uất, hoặc bệnh nhân đang đau.
Mạch huyền thường gặp trong bệnh xơ cứng động mạch, tăng huyết áp.
- Mạch nhu: Mạch yếu hơn cả mạch hư, thành mạch như không còn sức cản khi tay ấn.
- Mạch hồng đại: mạch nổi to và mạnh, biểu thị thực nhiệt, đang sốt cao, sức đề kháng còn tốt.
- Mạch vi tế: mạch rất trầm và nhỏ, ấn sâu mới thấy biểu thị khí huyết hư, sức đề kháng rất yếu.
Trên thực tế lâm sàng, các mạch thường kết hợp ví như mạch phù hoạt hoặc mạch trầm tế sác.
3. Sờ nắn
Mục đích để xem thân nhiệt, tìm điểm đau ( kinh lạc chẩn) ngoài ra có thể xem những u khối.
 Xem thân nhiệt: thường sờ trán để xem có sốt không.
Trán chân tay đều nóng là thực nhiệt . Lòng bàn tay ấm nóng, mu bàn tay lạnh là hư nhiệt, chân tay đều giá lạnh là dương hư, nặng nữa là thoát dương ( trụy tim mạch)
 Tìm điểm đau: Nắn tìm điểm đau nằm trên kinh lạc nào hoặc nắn ấn các huyệt mộ để tìm tạng phủ đang bị đau, nắn tìm những khối cơ co cứng, khối u...

0 comments:

Đăng nhận xét